Ngày 26.11, tại cuộc giám sát trực tiếp việc phục hồi môi trường ở mỏ sắt Phong Hanh (MSPH) ở xã An Định, huyện Tuy An (100% vốn Trung Quốc), ông Trần Văn Hạt - Ủy viên thường trực HĐND tỉnh - bức xúc: Hai túi bùn thải khổng lồ “treo” vách núi có nguy cơ vỡ khi mưa lũ lớn. Thế nhưng, công tác hoàn thổ dường như “giậm chân tại chỗ”.
Nguy cơ vỡ túi bùn
Sau một vài cơn mưa, bờ bao của các túi bùn ở MSPH (Cty TNHH luyện kim Sơn Giang - gọi tắt là Cty Sơn Giang) sạt lở nặng, có nơi chỉ còn 1m. Theo phản ánh của ông Phạm Văn Ba - Chủ tịch UBND xã An Định - hiện đất cát từ bờ bao đã lấp cạn và làm giảm dòng chảy đập Tiên Tấn, bồi lấp hệ thống mương thoát nước, gây ảnh hưởng 17ha đất trồng trọt của dân. Túi bùn ở phía đông hơn 6,4ha như “treo” trên đầu dân, còn bãi thải phía tây vẫn chưa thực hiện đê bao, nếu vỡ sẽ “nuốt” hàng chục nhà dân hai thôn Phong Thăng và Phong Hanh!
Bà Dương Thị Minh- ở thôn Phong Thăng- kêu trời: “Bà con ở đây luôn mất ăn mất ngủ, sợ hãi trước nguy cơ vỡ các túi bùn căng đầy nằm ở lưng chừng vách núi cao từ 5-7m. Đơn vị khai thác đã đổ đất lấn dòng chảy suối Đông Sa, làm nước chảy tràn gây ngập, xói lở, ảnh hưởng đến 50 hộ dân sinh sống trong vùng”.
Ông Đặng Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An - cho hay: MSPH đã khai phá núi, đào một hồ chứa bùn rửa quặng, đào trái phép một hồ chứa bùn khác với diện tích hơn 1.200m2 ngoài khu vực cho phép. Hai hồ chứa này nhiều lần bị rò rỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân. UBND tỉnh và ngành chức năng đã 4 lần xử phạt Cty với số tiền hơn 270 triệu đồng.
Hiện Cty không có thiện chí trong việc khắc phục, xử lý môi trường, nguồn nước mưa từ trên núi chảy xoáy thẳng vào hồ chứa bùn. Nếu lũ lớn thì nguy cơ vỡ bờ bao là điều khó tránh khỏi.
Có dấu hiệu “bỏ chạy”!
Ngày 26.11, tại MSPH không hề có bất cứ phương tiện nào vận chuyển bùn trong hồ, hoặc san ủi hoàn thổ mặt bằng để trả lại trạng thái an toàn khu vực này. Chỉ có khoảng 5-7 công nhân đang tháo dỡ thiết bị tuyển quặng sắt.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thiền - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh - khẳng định: Qua khảo sát cho thấy, tại hiện trường mỏ sắt có dấu hiệu thu dọn thiết bị để tẩu tán. Các đơn vị chức năng cần kiểm tra xử lý, nếu Cty này có dấu hiệu “bỏ chạy” khỏi MSPH!
Sau hơn 4 năm khai thác (từ tháng 4.2007 - 11.2011 theo giấy phép số 629 của UBND tỉnh), ngày 14.8.2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Trúc đã ký QĐ số 1211 phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, yêu cầu ông Zhu Yue Jin (Tổng GĐ Cty Sơn Giang) phải thực hiện phục hồi môi trường MSPH trong thời gian 10 tháng.
Theo ông Mai Kim Lộc - Phó GĐ Sở TNMT tỉnh - diện tích phải phục hồi môi trường là 18ha (trong tổng số 21ha vùng mỏ); lượng đất đá, bùn thải phải san gạt và hoàn phục môi trường là trên 800.000m3 (trong đó vận chuyển gấp 315.743m3 bùn thải hồ lắng phía đông), trồng và chăm sóc cây xanh trong vòng 2 năm... với tổng kinh phí trên 18 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cty Sơn Giang chỉ mới vận chuyển bùn thải được 23.000m3, đạt 5,4% kế hoạch, trồng khoảng 12.500 cây xanh ở trong túi bùn phía tây!
“Năm 2005, Cty Sơn Giang ký quỹ phục hồi môi trường chỉ 2,2 tỉ đồng, trong khi thực tế giá trị khối lượng hoàn thổ hiện nay lên đến 18 tỉ đồng. Do vậy, khó có thể kiểm soát được việc Cty Sơn Giang đầu tư hoàn nguyên môi trường MSPH theo quy định!” - ông Lộc cho biết.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Văn Hạt cho biết: Đoàn giám sát sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện phục hồi môi trường tại MSPH theo đúng kế hoạch; đồng thời tính toán thiệt hại để bồi thường cho dân.
Joyal hoạt động ở biên giới của bộ máy khai thác mỏ. Chúng tôi sử dụng tài sản đẳng cấp thế giới, công nghệ, năng lực, và biết cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cung cấp giá trị lâu dài.