(Thanh tra)- Để chấn chỉnh hoạt động khoáng sản, năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã ký 5 nội dung cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản với các doanh nghiệp (DN) thông qua Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Sau 1 năm thực hiện cho thấy: Việc chấp hành các nội dung cam kết, các quy định pháp luật về thực hiện khai thác theo thiết kế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động, các quy định về vật liệu nổ công nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội của các DN ngày càng nghiêm túc, chặt chẽ và hiệu quả cao.
Theo kết quả kiểm tra tại 17 mỏ sắt và đá xây dựng: 5/17 mỏ thực hiện tiến độ đầu tư dự án (D.A) đã được phê duyệt còn chậm, thậm chí có mỏ còn chưa thực hiện theo tiến độ đầu tư của D.A đã được phê duyệt, như: Mỏ sắt xóm Lóng (Thạch Kiệt - Tân Sơn) của Cty Cổ phần (CTCP) Lưu Thịnh Châu; mỏ đá Thạch Anh (Xuân Lộc - Thanh Thủy) của CTCP Xây dựng xuất nhập khẩu Tuệ Lâm; mỏ đá Gò Hèo (xã Xương Thịnh và Sơn Tình - Cẩm Khê) của CTCP Đầu tư xây dựng Hương Trà; mỏ đá khu 1 (Yên Lương - Thanh Sơn) thuộc CTCP Xây lắp và Cơ khí Phương Nam; mỏ sắt xóm Mịn (Mỹ Thuận và Tân Phú - Tân Sơn) của Cty TNHH 26-3.
12 mỏ đã khai thác đúng ranh giới được cấp; chỉ có 2/12 mỏ chưa hoàn thiện xong hệ thống khai thác theo quy định. Trong đó, mỏ đá Yên Lương (xã Yên Lương - Thanh Sơn) của CTCP Khai thác, chế biến đá Cự Đồng đang tạm dừng khai thác; mỏ đá Hang Đùng (Ngọc Lập - Yên Lập) của Cty TNHH Thu Hải đang lập thiết kế khai thác. Đáng chú ý, 100% các mỏ thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường.
Trong chấp hành quy định về an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đã được nâng cao. Đội ngũ công nhân các mỏ đã được tập huấn về an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp đạt hơn 93%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 78%. Các mỏ đã trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân; thường xuyên có báo cáo định kỳ về an toàn lao động; bảo đảm, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp an toàn.
Đáng nói, nhiều mỏ đã đăng ký chấp hành và đóng góp xây dựng, cải tạo, bảo dưỡng giao thông các huyện, các xã nơi có mỏ với tổng kinh phí hơn 5.175 triệu đồng; chấp hành đầy đủ các quy định của địa phương, đóng góp các quỹ an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo với tổng số tiền 7.135 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 3.561 lao động của các địa phương; đóng góp cho ngân sách tỉnh gần 70 tỷ đồng các loại thuế, phí theo quy định của Luật Ngân sách.
Tuy nhiên, việc thực hiện ký cam kết với các DN trong năm qua vẫn còn tồn tại như: Một số D.A đã được cấp phép nhiều năm nhưng tiến độ triển khai quá chậm, thậm chí có D.A chưa triển khai. Một số DN chưa chấp hành các quy định pháp luật cũng như các nội dung cam kết đã ký. Cơ sở hạ tầng một số tuyến huyện, xã bị xuống cấp, nhất là các tuyến tỉnh lộ, tuyến đường liên thôn, liên xã có khu vực mỏ đá, mỏ sắt. Nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, sạt lở đất, bãi thải, mất an toàn lao động vẫn còn cao…
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại này được nhận định: Do các DN gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để tái đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Thủ tục thu hồi giao đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng thuê đất hiện nay còn có những bất cập do vi phạm điều chỉnh của các luật liên quan. Việc thẩm định đơn giá đất còn lòng vòng, phức tạp, đặc biệt đối với việc thuê đất, mặt nước không cố định trong khai thác cát sỏi lòng sông.
Hơn nữa, nhận thức của một số DN về các quy định của pháp luật và nội dung cam kết chưa đầy đủ. Nhiều đơn vị cho rằng đã có công trình môi trường thì được phép hoạt động mà không phải báo cáo cơ quan thẩm quyền; hoặc xuất, bán sản phẩm tại mỏ cho các đơn vị thu mua thông qua hợp đồng kinh tế thì không cần đăng ký tuyến đường vận tải tiêu thụ, tải trọng lưu hành trên đường tiêu thụ… Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu kiên quyết nên chưa đủ sức ngăn chặn các hành vi vi phạm…
Ông Hoàng Như Lô, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản (Sở TN&MT) cho biết: Tính đến thời điểm này, ngành đã kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường tại 487 cơ sở hoạt động khoáng sản; thanh tra 16 cơ sở; xử phạt hành chính 205 cơ sở.
Trước những khó khăn trên, Phú Thọ cần sớm có những chủ trương, chính sách cụ thể về công tác cấp phép, quản lý Nhà nước hiệu quả đối với từng loại mỏ khoáng sản trên địa bàn cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần tổ chức kiểm tra thực địa để đánh giá, xử lý nghiêm minh các mỏ vi phạm.
Joyal hoạt động ở biên giới của bộ máy khai thác mỏ. Chúng tôi sử dụng tài sản đẳng cấp thế giới, công nghệ, năng lực, và biết cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cung cấp giá trị lâu dài.