Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cả nước đang tăng trưởng mạnh, liên tục trong hai tháng đầu năm, nhưng hiện quan hệ giữa hoạt động XK và nhập khẩu (NK) chưa lấy lại được sự cân bằng khi tình trạng xuất siêu vẫn xuất hiện. Thực chất đây không phải là tín hiệu vui, mà là minh chứng cho sự trầm lắng, co hẹp của nhiều ngành sản xuất trong nước...
Xuất khẩu duy trì phong độ cao
Tính chung hai tháng, KNXK đạt hơn 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó XK của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 27,5%. Đặc biệt, KNXK nhóm hàng công nghiệp chế tạo, chế biến đạt 13,26 tỷ USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng khoảng 69,9% tổng kim ngạch. Hàng loạt sản phẩm đã có mức tăng khá, như hóa chất (9,3%); phân bón các loại (39,4%); sản phẩm chất dẻo (19,3%); hàng dệt và may mặc (38,4%); giày dép các loại (20,9%); sản phẩm gốm, sứ (7,0%); sắt thép các loại (18,1%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (53,4%); điện thoại các loại và linh kiện (67,3%); dây điện và dây cáp điện (20%)... Những số liệu trên cho thấy sự lớn mạnh, khá đồng đều của nhiều ngành sản xuất theo hướng chủ động hội nhập và gia tăng tỷ lệ đã qua chế biến đối với sản phẩm XK.
Một diễn biến khác cũng cần quan tâm là hiện tượng giá bình quân của hầu hết mặt hàng XK trên thị trường quốc tế giảm so với cùng kỳ, gây thiệt hại cho DN. Cụ thể, giá nhân điều giảm 16,7%; giá hạt tiêu giảm: 3,2%; gạo giảm:13,6%; cao su giảm: 2,3%; than đá giảm: 26,7%; dầu thô giảm: 3,7%; xăng dầu các loại giảm: 5,8%; quặng và khoáng sản khác giảm 18,3%; sắt thép các loại giảm 10,6%... Đáng lưu ý, tuy giá xuất khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản có xu hướng giảm so với cùng kỳ, nhưng do DN đẩy mạnh XK với số lượng lớn hơn nên kim ngạch vẫn tăng.
Bộ Công thương xác nhận, cơ cấu hàng hóa XK đang có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, với tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ở mức vừa phải là 16% tổng KNXK, trong khi đó tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng mạnh, chiếm 69,9%. Dự báo, cơ cấu hàng XK sẽ còn thay đổi theo hướng này và là kết quả của quá trình CNH-HĐH, gia tăng số lượng sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn trong những năm tới.
Phân bón là một trong những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tăng trong những tháng đầu năm. Ảnh: Thanh Hải
Phân bón là một trong những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tăng trong những tháng đầu năm. Ảnh: Thanh Hải
Xuất siêu, nhưng không đáng mừng
Tính chung hai tháng, cả nước đã xuất siêu 1,676 tỷ USD, bằng 8,8% tổng KNXK. Đây là diễn biến không mới, bởi nó bắt đầu được coi như một "thói quen" của nền kinh tế mấy tháng qua, đồng thời gây ra hai luồng ý kiến đánh giá trái chiều. Các chuyên gia cho rằng, nếu xét về lý thuyết, việc xuất siêu là biểu hiện của sự gia tăng giá trị XK, với tốc độ cao hơn so với giá trị và tốc độ NK. Từ đó, cán cân thương mại được bảo đảm cân bằng, thậm chí là "có số dư" về ngoại tệ và thực tế đó cũng là minh chứng thuyết phục của một nền ngoại thương lành mạnh, được cải thiện liên tục. Vì vậy, về mặt số liệu thuần túy thì xuất siêu là "mơ ước" với bất kỳ nền kinh tế nào. Ngược lại, nếu NK thấp hơn so với XK lại là một diễn biến bất thường khi xét trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển, thường xuyên phải NK nhiều loại hàng, nhất là các chủng loại vật tư, nguyên, nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như sản xuất trong nước. Điều này cũng lý giải vì sao trong suốt vài chục năm qua, Việt Nam luôn là nước nhập siêu và thực tế đó được nhận định là đúng quy luật, cũng là sự thể hiện đúng bản chất và nhu cầu tự thân của nền kinh tế. Các cơ quan quản lý cũng nhận xét rằng, tình trạng xuất siêu nói trên không đáng mừng và cần cảnh giác bởi nó cho thấy sự trì trệ, trầm lắng trong sản xuất dẫn đến sự giảm sút về nhu cầu sử dụng nguyên liệu, vật tư trên phạm vi rộng, thuộc nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, thực trạng NK ngày càng thấp thường xuất hiện song hành khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) chậm lại, với hàng loạt khó khăn, như sức tiêu thụ hàng hóa suy giảm và sự hoạt động cầm chừng của hàng nghìn DN.
Một diễn biến khác cũng đáng lo ngại là XK của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao hơn XK của khối DN trong nước, cho thấy khả năng làm chủ tình huống và khai thác thị trường của họ tốt hơn. Tính chung, khối này đã xuất siêu 2,97 tỷ USD trong khi các DN trong nước lại nhập siêu 1,29 tỷ USD. Như vậy, một lần nữa khối DN đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng, quyết định với việc cải thiện cũng như kết quả cán cân thương mại cả nước.
Trước tình hình trên, Bộ Công thương đang rà soát công tác XNK nhằm khống chế việc NK những mặt hàng không khuyến khích hoặc cần hạn chế. Bên cạnh đó, kết hợp với các địa phương cũng như hiệp hội ngành hàng trong hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại, tăng cường khai thác thị trường truyền thống cũng như thâm nhập thị trường mới. Các chuyên gia khuyến nghị, DN dệt may cần tranh thủ thời cơ đang có nhiều hợp đồng gia công để tăng tốc độ sản xuất, vừa để bảo đảm uy tín với khách hàng, vừa bứt lên giành thêm hợp đồng mới. Đây là động thái tích cực và hứa hẹn có khả năng trở thành hiện thực bởi đến nay một số đối tác quốc tế đang mong muốn dịch chuyển đơn hàng từ các nước khác sang Việt Nam. Hoạt động XK gạo cũng cần hướng tới sự ổn định nhưng linh hoạt để theo sát các tình huống, diễn biến của thị trường, có sự phối hợp kịp thời giữa mua tạm trữ với ký kết hợp đồng XK để tranh thủ xuất hàng khi giá có lợi nhất. Chính phủ, các bộ cũng yêu cầu DN cần chủ động phòng tránh tình trạng "được mùa thì rớt giá, dẫn đến sự thiệt hại với người sản xuất...".
Joyal hoạt động ở biên giới của bộ máy khai thác mỏ. Chúng tôi sử dụng tài sản đẳng cấp thế giới, công nghệ, năng lực, và biết cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cung cấp giá trị lâu dài.