Ngày 23-7-1959, khi đến thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu (A-déc-bai-gian), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn, sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, A-déc-bai-gian nói riêng, giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh. Mong ước của Bác đã trở thành hiện thực.
Tâm sự với chúng tôi, Tổng Giám đốc PTSC, kỹ sư Nguyễn Hùng Dũng nói: "Từ một bãi sú vẹt lầy thụt chỉ một xưởng cơ khí với 30 công nhân chuyên sửa chữa nhỏ. Công ty cổ phần Dịch vụ Cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) sau 10 năm đã trưởng thành vượt bậc, với những nhà xưởng, bến bãi hiện đại, quy mô, với những cần cẩu có sức nâng lên đến 1.250 tấn, đủ sức chế tạo những tháp khoan, những dàn kỹ thuật khai thác hiện đại, anh em cơ khí hàng hải chúng tôi luôn tâm niệm lời Bác dạy: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên" và hôm nay các anh thấy đấy, PTSC đã đi từ không đến có, đi từ đơn giản lạc hậu đến hiện đại. Ðiều mà các thế hệ thợ cơ khí từng nằm mơ, đã ấp ủ hàng chục năm, nay đã thành hiện thực".
Phó Giám đốc phụ trách thi công Dự án Biển Ðông I kỹ sư Lê Ngọc Tâm dẫn chúng tôi đi tham quan công trường xây dựng, lắp ráp giàn khoan. Ngạc nhiên, choáng ngợp và khâm phục... là những cảm xúc của chúng tôi khi đặt chân đến công trường. Càng lên cao, vào các trung tâm điều khiển, cảm xúc ấy càng lớn hơn. Nhìn từ xa, công trình giàn khoan giống như một tòa nhà cao 10 tầng, phía trên nóc có sân đậu máy bay trực thăng. Công trình đồ sộ, vững chãi được nâng đỡ trên các cột trụ lớn đặt bên bờ biển Vũng Tàu lồng lộng nắng gió. Phó giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Cơ khí hàng hải PTSC kỹ sư Nguyễn Quang Hiếu vui mừng thông báo: "Chỉ còn ít ngày nữa, giàn khoan sẽ được hạ thủy, lai dắt ra lắp đặt biển". Lần đầu tiên, những chuyên gia, kỹ sư PTSC đã làm nên điều kỳ diệu, nhận thầu và lắp ráp thành công giàn khai thác dầu khí hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới.
Vùng đất đỏ miền Ðông buổi chiều nắng như đổ lửa. Mới đi bộ một quãng qua khoảng sân bê-tông, leo lên tầng một của công trường lắp đặt giàn khoan, ai nấy đều ướt sũng mồ hôi. Thế nhưng trên công trường đồ sộ những sắt thép, máy móc thiết bị hiện đại ấy, những kỹ sư, công nhân kỹ thuật vẫn miệt mài với công việc của mình. Dự án Biển Ðông I là dự án dầu khí ngoài khơi lớn nhất Việt Nam, tính đến thời điểm này, với yêu cầu kỹ thuật thiết kế, thi công phức tạp, lần đầu tiên được các nhà thầu Việt Nam thực hiện. Chủ tịch HÐTV PVN tiến sĩ Phùng Ðình Thực cho biết: "Việc PTSC dám nghĩ, dám làm và làm thành công dự án đã xua tan những hoài nghi rằng Việt Nam không đủ trình độ để chế tạo các công trình thăm dò và khai thác dầu khí".
Dự án do Công ty Ðiều hành Dầu khí Biển Ðông (Biển Ðông POC) làm chủ đầu tư, PTSC M&C là nhà thầu thi công. Tổng khối lượng trang thiết bị chế tạo và lắp đặt lên đến 60 nghìn tấn, trong đó giàn công nghệ trung tâm có khối lượng gần 14 nghìn tấn. Dự án khởi công từ tháng 10-2010, dự kiến sẽ hoàn tất và làm lễ hạ thủy vào dịp kỷ niệm 67 năm Quốc khánh 2-9.
Những ngày nước rút về đích, không khí làm việc trên công trường hết sức khẩn trương. Phó Tổng giám đốc PTSC kiêm Chủ tịch HÐQT Công ty PTSC M&C kỹ sư Phan Thanh Tùng cho biết: Những ngày này lúc nào trên công trường cũng có mặt hơn 2.000 kỹ sư, công nhân. Những ngày cao điểm, công trường có đến 3.500 nhân công làm việc. Mặc dù huy động số lượng nhân công lớn, song tất cả các ê kíp lao động đều vận hành hết công suất, công tác quản lý, điều hành khoa học trật tự, nhịp nhàng, chính xác. Ðến nay, giàn trung tâm đã lắp đặt xong hơn 40 km đường ống, hơn 350 km cáp điện các loại. Với khối lượng công việc đồ sộ và nguồn nhân lực đông đảo ấy, đơn vị thi công đặt lên yêu cầu hàng đầu phải bảo đảm chất lượng, tiến độ thi công đi đôi với chấp hành nghiêm kỷ luật lao động. "Sau hơn hai năm thi công cho đến nay, công trường vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối, chưa để xảy ra một sơ suất nào dù là nhỏ nhất. Tháng 9 này, công trình tổ chức Lễ kỷ niệm 10 triệu giờ làm việc an toàn tuyệt đối, một kỷ lục mới của PTSC - Giám đốc PTSC M&C Ðồng Xuân Thắng chia sẻ.
Một trong những phần việc chiếm nhiều thời gian nhất trong công đoạn thi công hoàn thiện là lắp ráp hệ thống điện và trang trí nội thất cho giàn khai thác (riêng thiết bị nội thất đã đạt tiêu chuẩn khách sạn năm sao trên giàn khai thác có Câu Lạc bộ giải trí, có phòng tập đa năng). Anh Trần Công Nghiệp phụ trách thi công phần điện và điều khiển cho biết, những ngày này, anh em bộ phận điện luân phiên nhau làm việc liên tục ba ca/ngày. Công việc được thực hiện rất tỉ mỉ, khẩn trương. Thi công đến đâu, kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật đến đó. "Ðược đóng góp sức mình tại công trình này là một niềm vinh dự to lớn của chúng tôi. Qua thực tiễn thi công, chúng tôi trưởng thành hơn về tay nghề và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm." - Anh Nghiệp nói.
Ðứng trên sân đậu trực thăng của giàn khai thác Biển Ðông I, Tổng Giám đốc PTSC Nguyễn Hùng Dũng rất tự hào: "Trước đây, ngành công nghiệp dầu khí nước ta phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, nhờ có sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, những năm gần đây PVN nói chung, PTSC nói riêng đã từng bước vươn lên, hội nhập với thế giới, từng bước làm chủ khoa học, công nghệ, chế tạo được các công trình thăm dò khai thác dầu khí có hàm lượng công nghệ cao, có kỹ thuật tiên tiến. Việc chế tạo, lắp ráp thành công công trình giàn khai thác 133 mét nước đã khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật ngành dầu khí Việt Nam, góp phần quan trọng vào công nghiệp khai thác chế biến dầu khí, cung cấp nguồn năng lượng cho đất nước và khẳng định, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tâm huyết, trí tuệ, sức lao động sáng tạo của PTSC đã góp phần làm nên thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực chế tạo giàn khai thác dầu khí. Thiết thực làm theo lời Bác, mong ước của Bác: "Ðể Việt Nam có ngành công nghiệp dầu khí mạnh".
Ngắm nhìn giàn khai thác Dự án Biển Ðông I, sừng sững như một tòa nhà 10 tầng, với đầy đủ thiết bị kỹ thuật hiện đại, chúng tôi thầm cảm phục đội ngũ kỹ sư công nhân kỹ thuật của Công ty Cơ khí hàng hải PTSC M&C. Họ đã làm theo lời Bác thực hiện bằng được mong ước của Bác, vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ khai thác và chế biến dầu khí, tiêu biểu nhất như Dự án giàn khai thác Biển Ðông I. Một công trình kỹ thuật dầu khí hiện đại mang thương hiệu Việt Nam. Ðó chính là bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, là niềm tự hào về đất nước, con người Việt Nam chúng ta.
Joyal hoạt động ở biên giới của bộ máy khai thác mỏ. Chúng tôi sử dụng tài sản đẳng cấp thế giới, công nghệ, năng lực, và biết cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cung cấp giá trị lâu dài.